GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02/2024
Kính thưa quí thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Việt Nam có một nền văn hoá dân gian rất lâu đời và phong phú. Nhiều hiện tượng đã thuộc về quá khứ, nhưng nhiều hiện tượng vẫn hiện hữu nơi này nơi khác trong đời sống hôm nay. Nhân dịp mừng Đảng mừng xuân Giáp Thìn 2024, nhằm cung cấp cho giáo viên, học sinh yêu thích một số kiến thức thường thức về văn hoá dân gian, thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Sổ tay kiến thức văn hoá dân gian Việt Nam”.
Cuốn sách này của tác giả Chu Huy và do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tái bản lần 3 năm 2014. Cuốn sách dày 279 trang và được in với kích thước là 11×18 cm.
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Sổ Tay Kiến Thức Văn Hóa Dân Gian Việt Nam là quyển sách chuyên về khảo cứu và miêu tả một cách ngắn gọn rất nhiều mục phản ánh các phạm trù, các khái niệm, các sự vật, hiện tượng gắn liền với hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của con người Việt Nam trong tiến trình hình thành và phát triển.
Điểm hay của Sổ Tay Kiến Thức Văn Hóa Dân Gian Việt Nam là tác giả có đề cập đến những khái niệm chung về văn hoá dân gian Việt Nam và giới thiệu toàn bộ các văn hoá vật thể, phi vật thể mà người dân đã sáng tạo nên như: nghi thức vòng đời, gia đình, gia tộc, lễ tết, hôn nhân, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, công cụ sản xuất, đồ gia dụng… do các cộng đồng người sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam đã sáng tạo ra, giữ gìn và phát huy cho đến thế kỷ 21 này.
Tết Nguyên đán hay còn gọi là tết cổ truyền của Việt Nam, là dịp về cội nguồn bắt đầu từ 23 tháng chạp đến ngày mồng 2 của năm mới. Chỉ đến ngày tết các gia đình mới có điều kiện sum vầy anh em họ mạc để cúng thờ tổ tiên, gặp gỡ hàng xóm, thăm viếng mồ mả tiền nhân. Người ta đi thăm nhau và chúc nhau măm mới mọi sự tốt lành. Bên cạnh đó thì còn có các tập tục văn hóa như: Mâm ngũ quả, cây nêu ngày tết, gói bánh chưng, Lễ rước gia tiên vào ngày 30 tết. Tục đón giao thừa và lễ trừ tịch ( giờ khắc giao thừa: Tiễn cũ đón mới), Đi lễ hái lộc đầu năm( đêm giao thừa ). Tập tục mừng tuổi thể hiện sự lớn lên ở trẻ nhỏ và trường thọ ở người già. Lễ mừng thọ, cuối cùng là lễ khai hạ mùng 7 tháng giêng. Lễ tết được giới thiệu đầy đủ trong chương V III trang 100. Ngoài ra còn rất nhiều nghi lễ khác được tác giả giới thiệu khá đầy đủ trong các chương tiếp theo như: Chương IX hội hè, đình đám; Chương VII việc mặc và đồ trang sức; hay chương XVII một số trò chơi trẻ em, XVIII một số nghề truyền thống…..
Cuốn sách được chia làm 19 chương và được trình bày theo từng chuyên đề. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các nét văn hóa truyền thống rất riêng của đất nước ta để có thể chia sẽ, giới thiệu cho bạn bè quốc tế vào những dịp đặc biệt thì Sổ tay kiến thức văn hoá dân gian Việt Nam sẽ là quyển sách tiện ích nhất.
Bài giới thiệu đến đây là kết thúc, cảm ơn thầy cô và các em học sinh đã lắng nghe. Trân trọng kính mời quý thầy cô và các bạn tìm đọc tại kho sách tham khảo của thư viện trường THCS Thu Bồn với số đăng ký cá biệt TK 029.
Điện Thắng Nam, ngày 31 tháng 01 năm 2024
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Trần Thị Thuận