Thứ năm,17/04/2025
Chào mừng đến với website của trường THCS Thu Bồn

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2024: Tiểu thuyết “TẮT ĐÈN” CỦA NGÔ TẤT TỐ

Quản Trị 07/10/2024 Lượt xem:515

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2024

Kính thưa quí thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Hưởng ứng các hoạt động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 và nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2024), Thư viện nhà trường xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn học sinh cuốn tiểu thuyết “Tắt đèn” của tác giả Ngô Tất Tố. Sách do nhà xuất bản Văn học tái bản lần 2 năm 2016, gồm 215 trang, khổ 21cm.

Tiểu thuyết của nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 -1945. Tắt đèn là sự tổng hợp cả bề rộng và bề sâu những điều nhà văn đã quan sát, cảm xúc, suy nghĩ về cuộc sống người nông dân đương thời.

Tác phẩm tập trung làm nổi bật mối mâu thuẫn giai cấp đối kháng gay gắt trong lòng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Tuy dung lượng không lớn, Tắt đèn đã đưa ra đủ mặt những đại diện của giai cấp thống trị trong xã hội nông thôn khi đó: Bọn địa chủ độc ác, keo kiệt; Bọn cường hào tham lam, thô lỗ; Bọn quan lại dâm ô bỉ ổi, bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa… Sau bọn chúng, thấp thoáng bóng “ông Tây” với chính sách sưu thuế dã man.

Đặc biệt “Tắt đèn’’ xoay quanh nhân vật chị Dậu. Gia đình chị thuộc loại “nhất nhì trong hạng cùng đinh”, bị bần cùng hóa do sưu cao thuế nặng mà chế độ thực dân đặt lên xã hội phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ. Chị Dậu là một người phụ nữ yêu thương chồng con nhưng vì cái xã hội thối nát, cường quyền áp bức đã khiến cho cuộc đời chị tối tăm, tủi nhục. Chị là một người khốn khổ đã phải chịu tất cả những nỗi đau trong cuộc đời nhưng không vì thế mà bị gục ngã, chị đã luôn kiên cường đứng lên trước bao sóng gió, bão táp cuộc đời và giữ cho mình phẩm chất tốt đẹp của một người phụ nữ Việt Nam. Xây dựng thành công nhân vật chị Dậu, Ngô Tất Tố đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam một nhân vật hấp dẫn. Chị Dậu là minh chứng tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Chị là một người phụ nữ yêu thương chồng con. Việc chị tìm mọi cách cứu chồng, ân cần chăm sóc lức ốm đau, hoạn nạn, dũng cảm liều mình bảo vệ chồng trước sự hung dữ, tàn bạo của bọn cường hào khiến cho người đọc không khỏi xúc động. Tình yêu thương chồng của chị gắn với tình yêu thương con không sao kể xiết. Một củ khoai chị cũng dành cho con. Ngay cả khi bị giải lên huyện nhịn đói với “hai sợi dây thừng gò ở cánh tay” chị vẫn nghĩ đến cái Tửu, cái Tí, thằng Dần. Dẫn con sang nhà cụ Nghị  mà lòng chị tan nát, nghe con kêu khóc mà lòng chị thổn thức.Thương con nhưng đến bước đường cùng, chị phải bán con trong đau đớn, xót xa. Trên thực tế chị trở thành chỗ dựa cho cả gia đình chị. Nợ nần chồng chất và số tiền phải nộp sưu vẫn chưa nộp hết nhưng chị vẫn đủ can đảm ném giấy vào mặt tên cai trị phủ Tư Ân. Hai lần bị cưỡng hiếp, chị cũng thoát ra được. Ở chị toát lên một sức sống kiên cường, bất khuất của người phụ nữ nông dân Việt Nam.

Tác phẩm có những trang thật cảm động miêu tả nỗi lòng người mẹ, người vợ của chị Dậu. Chị còn là một phụ nữ lao động đảm đang, tháo vát, thông minh, ý nhị. Sống trong nghèo khổ, chị vẫn có ý thức về nhân phẩm trong trắng mà mạnh mẽ, tiền tài không thể làm vẩn đục, bạo lực không thể khuất phục. Chị Dậu rất mực dịu hiền nhưng không yếu đuối. Khi cần, chị đã phản kháng dũng cảm, thể hiện một sức sống kiên cường bất khuất của người phụ nữ nông dân Việt Nam.

Tắt đèn là một trong những thành tựu đặc sắc của tiểu thuyết Việt Nam trước Cách mạng. Kết cấu tác phẩm chặt chẽ, rất liền mạch, giàu tính kịch. Đặc biệt, với số trang ít ỏi, Tắt đèn đã dựng nên nhiều tính cách điển hình khá hoàn chỉnh trong một hoàn cảnh điển hình. Khi vừa ra đời, tác phẩm đã được dư luận tiến bộ nhiệt liệt hoan nghênh.

Tóm lại, tiểu thuyết “Tắt đèn” thật sự thành công khi giá trị hiện thực của nó đạt đến đỉnh cao, là lời phê phán xã hội đen tối trước cách mạng, là lời mạt sát chế độ thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Qua đó, giá trị nhân đạo được biểu hiện cụ thể tăng thêm phần kịch tính sức hấp dẫn cho truyện. Tiểu thuyết “Tắt đèn” phê phán những tên cầm quyền thống trị và thể hiện sự cảm thông của tác giả với những người nông dân bất hạnh. Đây là cuốn tiểu thuyết hay. Các bạn hãy tìm và đọc thử nhé!

Cuốn sách hiện đang được lưu giữ tại thư viện nhà trường, xin kính mời thầy cô và các bạn học sinh cùng đón đọc. Bài giới thiệu đến đây là kết thúc, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Mong sớm nhận được yêu cầu mượn cho cuốn sách này với số đăng kí cá biệt TK 1177.

2024-10-07T10:45:55+07:00